TRƯỜNG TRUNG CẤP SÀI GÒN - SAIGON COLLEGE


(Tên cũ: TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ - KỸ THUẬT SÀI GÒN)
chuc mung nam moi Khai giang lop moi Tuyen sinh 2 Tuyen sinh 2025 Tuyen sinh 2025 (2)

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tuyển sinh

PHIẾU ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN TRUNG CẤP NĂM 2024

xem thêm

THÔNG TIN TUYỂN SINH TRUNG CẤP NĂM 2024

xem thêm

KẾ HOẠCH TUYỂN SINH 2024

xem thêm

Đối tác

Tin tức >> Bản tin trường

Đại học không phải là con đường duy nhất (24/05/2021)

Đào tạo nghề hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội mới trong sự nghiệp của những người trẻ tại châu Á.

Sean Lee, năm nay 33 tuổi và đang sống tại Singapore, từng quyết định từ bỏ giảng đường đại học, vốn là ước mơ của rất nhiều người, để theo đuổi nghề nhiếp ảnh, niềm đam mê của anh. 

“Tôi không giỏi môn nào hết, mọi thứ đều trung bình. Tôi phải vất vả lắm mới có thể đạt đủ điểm qua môn”, Lee bày tỏ.

Không xin được việc làm chính thức, Lee phải vừa làm trợ lý nhiếp ảnh không lương, vừa phải làm thêm nghề phục vụ ở quán bar vào buổi tối. Nhưng trong thời gian đó, anh đã tự mình mày mò, học cách chụp ảnh gia đình mình và những đối tượng rất đặc biệt: những người chuyển giới ở Campuchia.

Và thật ngạc nhiên, những bức ảnh khác thường đó lại trở thành mốc son khởi đầu cho sự nghiệp của Sean Lee. Chúng giúp anh đoạt một trong những giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhất Singapore: Giải Icon De Martell Cordon Bleu vào năm 2011.

Đại học không phải là con đường duy nhất-1

Bỏ dở đại học để theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh đã trở thành một quyết định đúng đắn của Sean Lee (Ảnh: Singapore Arts Club)

Dần dần, Lee nhận được nhiều đơn hàng chụp ảnh hơn và phát triển được một lượng khách hàng trung thành trong 7 năm qua. "Làm nhiếp ảnh gia độc lập rất vất vả, thu nhập không ổn định, nhưng đến giờ tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc với nghề này", anh cho biết.

Bằng cấp là chưa đủ

Theo nhiều chuyên gia, đại học được xem là một cánh cửa dẫn đến thành công, nhưng không phải là cánh cửa duy nhất. Thực tế là hiện nay, có rất nhiều sinh viên đại học ở châu Á khi ra trường vẫn không thể kiếm được việc làm.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở người có trình độ học vấn cao tăng mạnh. Theo khảo sát của cơ quan thống kê Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2018, số người thất nghiệp có trình độ đại học khoảng 402.000. Đây cũng là mức thất nghiệp cao nhất của nhóm lao động này kể từ năm 2000.

Trong khi đó, thị trường lao động tại khu vực lại thiếu hụt người có kỹ năng hay tay nghề cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Đơn cử, các công ty ở Indonesia muốn tuyển lao động có tay nghề, nhưng không phải tất cả sinh viên đều phù hợp với nhu cầu. 

Đại học không phải là con đường duy nhất-2

Thị trường lao động tại châu Á đang thiếu hụt người có kỹ năng hay tay nghề cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển công nghiệp (Ảnh: New Straits Times)

Đó là lý do Jakarta đang khuyến khích các trường trung học hợp tác với các hãng công nghiệp trong việc đào tạo nghề cho học sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động ở nhiều ngành nghề. 

Nur Rakhman Setyoko, chuyên gia phân tích thuộc Bộ Thương mại Indonesia, cho biết: “Chúng tôi đã thuyết phục giới trẻ rằng, giáo dục nghề nghiệp vẫn có thể hướng tới một sự nghiệp tốt mà không cần phải theo đuổi bằng đại học”.

Singapore

Sự biến đổi về thị trường lao động, cơ hội việc làm, thu nhập đối với nhân lực được đào tạo nghề nghiệp đang thay đổi mạnh mẽ quan niệm xem trọng bằng cấp và học vấn tại nhiều nước châu Á.

Trong quá khứ, Singapore cũng từng đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy công tác dạy nghề, như tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông. Điều này giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản và có hứng thú với nghề nghiệp mình chọn lựa từ sớm. Nhờ đó, năm 1972, 20% học sinh Singapore đã lựa chọn theo học nghề.

Đại học không phải là con đường duy nhất-3

Chi phí định kỳ của chính phủ Singapore cho các cấp bậc giáo dục trên mỗi học sinh. Phần xanh nhạt và xanh gần đậm là chi phí cho các viện giáo dục kỹ thuật và các trường kỹ thuật (polytechnics) (Nguồn SEA-VET.net)

Theo đánh giá của Economist Intelligence Unit (EIU) trong năm 2017, hệ thống giáo dục Singapore đã đứng đầu châu Á và thứ 5 thế giới về chuẩn bị kỹ năng tốt nhất cho công việc tương lai của học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15 đến 24.

Cho đến nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hàng năm đã thu hút tới 65% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp phổ thông của Singapore, đào tạo hơn 100 ngành nghề khác nhau, với các cơ sở dạy và học nghề được trang bị bài bản, hiện đại. 

Hàn Quốc

Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại không còn xem việc vất vả học tập để vào một trường đại học theo nguyện vọng của gia đình là cánh cửa duy nhất dẫn tới tương lai. Họ chọn cách bắt đầu sự nghiệp của mình từ chính những trường học nghề.

Trong vòng 3 năm qua, số thanh niên Hàn Quốc lựa chọn các trường ngề sau khi tốt nghiệp phổ thông đã tăng tới 25%. Thậm chí, có những người đã tốt nghiệp đại học vẫn đi học nghề để thử sức với những lựa chọn mới trong sự nghiệp của mình. 

Đại học không phải là con đường duy nhất-4

Sơ đồ hệ thống giáo dục hiện tại Ở Hàn Quốc. Học sinh có thể chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp cấp 2 (Nguồn: Korea Research Institute for Vocational Education and Training)

Hàn Quốc là một trong những quốc gia xem chứng chỉ kỹ năng nghề là bắt buộc. Bước vào hệ trung học phổ thông, học sinh nào có kỹ năng nghề đặc biệt có thể chọn trường dạy nghề chuyên biệt thay vì học tiếp. Học sinh ở những trường này được miễn học phí, được cấp bằng tương đương chứng chỉ kỹ sư công nghiệp để có thể đi xin việc ngay sau khi ra trường. 

Nhờ có chính sách khuyến khích và phát triển đào tạo nghề tốt, Hàn Quốc đang thúc đẩy ngày càng nhiều thanh niên tham gia học nghề một cách tự nguyện.

Việt Nam

Kết quả khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815.000 người, và đến 2022, con số này có thể lên đến khoảng 817.000 người. Còn theo báo cáo của 63 sở Lao động Thương binh và Xã hội, tính trung bình trong năm 2019, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề kiếm được việc làm đạt trên 80%.

Cũng theo báo cáo, những nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng); quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng). Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.

Trái với nhiều định kiến cho rằng học sinh tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp thường "thấp kém" hơn so với học đại học, không ít bạn trẻ Việt Nam đã và đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh với lao động trên thế giới, góp phần làm thay đổi định kiến và nhận thức của xã hội về học nghề.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực có tay nghề cao cho những ngành kỹ thuật ở các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay cả Thái Lan, Malaysia hiện nay cũng rất lớn. Các quốc gia này thường rất chuộng lao động từ Việt Nam vì vừa lành nghề, vừa chăm chỉ và chịu khó học hỏi. 

Đại học không phải là con đường duy nhất-5

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

Đào tạo nghề hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội mới trong sự nghiệp của những người trẻ tại châu Á. Việc lựa chọn nghề vừa phù hợp với năng lực của bản thân, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội đang ngày càng trở thành một trong những con đường ngắn nhất dẫn tới thành công.

 

Bài viết gốc: https://premium.vietnamnet.vn