Tin tức >> Thông tin giáo dục
'Hiến kế' cho giáo dục nghề nghiệp (15/11/2020)
TTO - Khi xã hội chớm đặt lòng tin vào GDNN, các trường rất nỗ lực quảng bá hình ảnh của nhà trường và nâng cao chất lượng gắn đào tạo với doanh nghiệp thì sức hút sẽ gia tăng.
Những nỗ lực của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước đã bước đầu nâng cao hình ảnh về con đường học nghề đến các bạn trẻ. Dù vậy, vẫn còn đó những thách thức đặt ra để GDNN thực sự trở thành lựa chọn của mỗi học sinh.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) và ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch Hội GDNN TP.HCM - đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi về những việc cần làm ngay với GDNN hiện nay.
Quy hoạch là nhiệm vụ sống còn
* Theo ông, đâu là những thách thức cho GDNN trong giai đoạn phát triển tiếp theo?
- TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi nghĩ thử thách lớn nhất với GDNN hiện nay là đối mặt với lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất lớn, lên đến trên 78% trong tổng số gần 54 triệu người. Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, phân tán, cộng với một số nơi quản lý, điều hành chưa tốt đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cho người lao động. Sức ép này càng lớn trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều người mất việc, chưa kể họ phải cạnh tranh về năng suất, chất lượng trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
- Ông Trần Anh Tuấn: Trong cơ cấu nguồn nhân lực, người lao động xuất thân từ hệ thống GDNN chiếm hơn 70%. Những năm gần đây, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đã nỗ lực rất nhiều nhưng dường như GDNN chưa đủ sức tạo hấp dẫn trong xã hội. Chẳng hạn, nhiều học viên tốt nghiệp thường có việc làm ngay nhưng tốc độ thăng tiến còn chậm. Việc đầu tư chưa đồng bộ khiến trang thiết bị của một số trường - đặc biệt những trường chuyên về công nghệ, kỹ thuật - tương đối kém.
* Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ năm 2018, TS Vinh từng nói "việc quy hoạch mạng lưới được xem như yếu tố "sống còn" cho hệ thống trường nghề". Hai năm nhìn lại, ông đánh giá việc quy hoạch này ra sao?
- TS Hoàng Ngọc Vinh: Quy hoạch phát triển GDNN quả thật là nhiệm vụ sống còn vì chúng ta gần như thiếu quy hoạch tổng thể từ sau khi đất nước bước vào đổi mới. GDNN dường như chưa đưa ra được tầm nhìn và sứ mạng của mình.
Chẳng hạn, có những thành phố diện tích nhỏ nhưng tập trung nhiều trường trung cấp, cao đẳng, trong đó rất nhiều ngành nghề trùng lắp, khiến không thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mà còn xảy ra hiện tượng cạnh tranh gay gắt nguồn tuyển, nơi thực tập.
Ngược lại, một số vùng miền núi có các cơ sở GDNN rất khang trang nhưng số học viên lại ít ỏi. Đến nay, nhiều địa phương thực hiện quy hoạch còn khá máy móc. Người ta ghép 5-6 trường thành một để giảm bớt đầu mối quản lý, nhưng những vấn đề "hậu sáp nhập" chưa tính đến như về nhân sự lãnh đạo, đất đai, tài sản, chiến lược phát triển thời gian sau…
Tự tin chọn trường nghề
* Những năm gần đây, ông thấy tâm lý chọn trường nghề thay vì ĐH ở học sinh, phụ huynh có gì biến chuyển?
- TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi nhìn thấy đang có chiều hướng thay đổi. Nhiều người đã thực tế hơn khi cho con vào các cơ sở GDNN học nghề, sớm ra trường có việc làm và thu nhập. Khi xã hội chớm đặt lòng tin vào GDNN, các trường rất nỗ lực quảng bá hình ảnh của nhà trường và nâng cao chất lượng gắn đào tạo với doanh nghiệp thì sức hút sẽ gia tăng.
- Ông Trần Anh Tuấn: Mỗi năm, tôi tham gia nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trên cả nước. Tôi nhận thấy số lượng các bạn mong muốn theo GDNN đang tăng lên theo từng năm. Đặc biệt có những vùng, số lượng muốn vào trung cấp, cao đẳng lên đến 80%. Điều này cho thấy dần có những sự chuyển biến bước đầu.
* Trong mùa tuyển sinh đang diễn ra, với những bạn đang phân vân giữa ĐH và GDNN, ông có lời khuyên gì?
- TS Hoàng Ngọc Vinh: Bạn trẻ hãy tin vào bản thân, tự đặt cho mình những câu hỏi về lợi thế và hạn chế khi học ĐH và học nghề (về sức học, nhu cầu, khả năng tài chính, việc làm, thu nhập…).
Nói cách khác, bạn cần biết mình là ai, có nhu cầu gì, điều kiện thực tế như thế nào? Nếu không tự tin trả lời, hãy hỏi những người có kinh nghiệm. Đừng vì chút sĩ diện bản thân, đua theo chúng bạn mà chưa hiểu rõ mình. Vào học GDNN sẽ là lựa chọn tốt cho bạn trẻ ham muốn kiếm việc làm sớm, có thu nhập sớm, không phải trông nhờ vào cha mẹ và người thân nhiều, mình sẽ tự do lo liệu cho cuộc sống và có cơ hội lại học tiếp bằng nhiều hình thức khác.
- Ông Trần Anh Tuấn: Với những bạn tự tin chọn học nghề thay vì ĐH, tôi thường dành lời khen vì bạn ấy biết hướng đi phù hợp cho chính mình và gia đình. Trong quá trình tư vấn, nếu thấy các em có năng lực, tôi sẽ khuyên các em nỗ lực cố gắng và khi có cơ hội thì cần nâng cao kiến thức. Cấp bậc nào không quan trọng, cốt yếu là cần tạo giá trị nghề nghiệp cho bản thân mình.
* Trong những năm tới đây, nhu cầu nguồn nhân lực tại TP.HCM có gì đáng lưu ý, thưa ông?
- Ông Trần Anh Tuấn: Trong giai đoạn 2016-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.
Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính chiếm tỉ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỉ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỉ trọng 3-5%.
TRỌNG NHÂN thực hiện